Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khối Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), trả lời: Việc tiêm vắc-xin Covid-19, bất cứ loại nào, đều không thể gây nhiễm SARS-CoV-2 vì không hề tiêm con virus sống vào cơ thể. Tiêm ngừa Covid-19 cũng không thể gây dương tính giả dù là xét nghiệm nhanh kháng nguyên hay xét nghiệm RT-PCR. Vắc-xin không sinh ra virus mà nó tạo ra kháng thể giúp bạn phòng bệnh. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên hay RT-PCR đều là để tìm dấu vết của con virus trong dịch mũi họng, không tìm kháng thể.

Nói sau khi mẹ bạn có triệu chứng 5 ngày, tất cả mọi người trong nhà đều âm tính nghĩa là không có nguồn lây từ người nhà. Kết luận này là không đúng, rất có thể một ai đó trong nhà đã bị bệnh trước mẹ bạn và lây cho mẹ bạn và đã kịp âm tính trước thời điểm xét nghiệm. Khi đã tiêm vắc-xin thì F0 có thể hoàn toàn không có triệu chứng và âm tính rất mau, phát tán virus ít hơn người chưa tiêm nên khó lây cho những thân nhân khỏe mạnh đã tiêm chủng, riêng cụ bà sức đề kháng yếu nên bị lây.

Vì vậy, mẹ bạn đã mắc Covid-19, thời gian tiêm mũi đầu tiên với thời gian mắc bệnh gần như trùng nhau, mũi tiêm này chưa thể phát huy tác dụng bảo vệ nên coi như mẹ bạn mắc bệnh khi chưa được tiêm chủng và trên cơ địa cao tuổi, nhiều bệnh nền.

Sức khỏe mẹ bạn giảm sút là do mắc bệnh chứ không phải do tiêm vắc-xin. Bà cần được chăm sóc y tế, theo dõi tại bệnh viện nếu vẫn đang là bệnh nhân Covid-19. Nếu đã khỏi mà vẫn mệt nhiều, cần đưa bà đi khám lại. 

Anh Thư ghi