Nhiều người bệnh suy tim chỉ tuân thủ điều trị trong thời gian đầu, sau khi sức khỏe ổn định hơn lại có tâm lý chủ quan hoặc tin theo những thông tin không chính xác, từ đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Chán nản dẫn đến bỏ điều trị

Nhắc đến bệnh nhân T.V.A (75 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) hầu hết bác sĩ tại Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) đều biết. Nguyên nhân là mỗi năm, ông A. nhập viện cấp cứu 3-4 lần do rơi vào các đợt suy tim cấp.

Coi thường suy tim, hậu quả nặng nề - Ảnh 1.

Ông T.V.A (75 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nhiều lần nhập viện vì suy tim

Theo chia sẻ của người nhà, ông N. được chẩn đoán mắc tiểu đường, biến chứng suy tim cách đây 8 năm. Tuy nhiên, sau khi điều trị bệnh ổn định, ông ngại đi khám nên tự mua thuốc uống.

"Cũng nhiều lần nhắc ba tái khám nhưng e ngại vào bệnh viện nên ba tự mua thuốc uống ở nhà. Cứ mỗi năm, 3-4 lần gia đình lại sắp xếp việc để vào chăm ba vì nhập viện cấp cứu do suy tim cấp. Thậm chí, khi ở nhà cũng phải kiểm tra xem lúc ba ngủ tim có đập hay không do trước đó người nhà cũng bị ngưng tim khi ngủ" - chị T.N.B (con ông A.) cho biết.

Cách đây khoảng 10 ngày, ông A. lại nhập viện vì suy tim cấp. Sau 10 ngày điều trị, bệnh tình ông cải thiện, ngủ được, không còn khó thở và mệt như trước.

Suy tim là trạng thái hoạt động của tim không đáp ứng với nhu cầu của cơ thể về mặt ô xy trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân. Người bệnh thường có biểu hiện khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm và phải ngồi dậy để thở, thường kèm theo ho. Hoạt động thể lực bị giảm từ mức độ nhẹ đến nhiều, dễ mệt và yếu sức. Bên cạnh đó sẽ xuất hiện một số biểu hiện như phù ở chân, mặt; hồi hộp, đánh trống ngực... Nguyên nhân suy tim thường xuất phát từ các bệnh lý liên quan đến tim, bệnh phổi mạn tính, thiếu máu nặng, nhiễm virus hay nhiễm trùng... Bên cạnh đó, một số yếu tố thúc đẩy khiến tình trạng suy tim trở nặng như: Chế độ ăn nhiều muối, lạm dụng rượu; không tuân thủ điều trị, tăng huyết áp...

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui, Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết trung bình mỗi tháng, tại đây tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó có khoảng 20 bệnh nhân suy tim.

Theo bác sĩ Vui, rất nhiều bệnh nhân tái nhập viện vì suy tim do bỏ điều trị. Trong đó có nhiều nguyên nhân như chán nản vì điều trị lâu dài, uống thuốc hằng ngày; thậm chí chịu đựng những triệu chứng nhẹ nên bỏ thuốc.

"Nhiều người đang uống thuốc thấy khỏe nên sau một đợt thuốc sẽ bỏ luôn, chỉ đến khi lên cơn cấp thì nhập viện cấp cứu mới sử dụng lại thuốc" - bác sĩ Vui lo ngại.

Bác sĩ Vui lý giải hiện nay nhận thức và tiếp cận về bệnh lý suy tim của bệnh nhân còn hạn chế, chủ quan. Nhiều người sợ ung thư hơn suy tim nhưng thực tế hiện nay, một số bệnh lý ung thư có tiên lượng tốt như ung thư vú, đại tràng, tỉ lệ tử vong còn thấp hơn suy tim.

Cần điều trị toàn diện

PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết tại bệnh viện, phòng khám tim mạch là nơi tiếp nhận bệnh nhân đông nhất. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 300-400 bệnh nhân đến đây có biểu hiện lâm sàng bị suy tim.

Theo bác sĩ Quế, ước tính tại Việt Nam có hơn 1,6 triệu người suy tim. Thực tế, nhiều bệnh nhân suy tim chưa hiểu đầy đủ về bệnh.

"10 người bị suy tim sau 10 năm chỉ còn 2 người sống, 8 người tử vong. Nguyên nhân do điều trị suy tim thường rơi vào giai đoạn muộn do nhiều người chưa hiểu đúng về bệnh, việc theo dõi, điều trị chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, nếu điều trị sớm thì tuổi thọ sẽ kéo dài hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Thậm chí, có thể hoàn toàn khỏe mạnh như bình thường" - bác sĩ Quế khẳng định.

Bác sĩ Quế cho biết suy tim có 4 giai đoạn. Hiện với sự tiến bộ của y học, đã có nhiều nghiên cứu về thuốc điều trị suy tim hiệu quả. Thuốc điều trị suy tim có 4 nhóm, tùy từng giai đoạn, bệnh nhân sẽ có sự đáp ứng khác nhau.

Theo một nghiên cứu, chỉ có 30% bệnh nhân tim mạch được khám, điều trị ở bác sĩ chuyên khoa điều trị suy tim. Do đó, tỉ lệ bệnh nhân được dùng thuốc tim mạch rất thấp. Nếu bệnh nhân dùng đủ 4 thuốc trị suy tim thì sống được 10 năm, dùng 3 thuốc sống 8 năm, 2 thuốc là 6 năm.

"Các loại thuốc này giúp điều trị triệu chứng, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong, cải thiện gắng sức. Do đó, chúng ta cần một chương trình quản lý bệnh nhân suy tim để tối ưu hóa việc điều trị, tư vấn toàn diện về dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động... giúp bệnh nhân suy tim có chất lượng sống tốt hơn, kéo dài tuổi thọ" - bác sĩ Vui nhấn mạnh. 

Chế độ tập luyện, ăn uống của người suy tim

PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế khuyến cáo người mắc bệnh suy tim hoặc các bệnh lý tim mạch cần thường xuyên tập luyện một số bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga…; không làm việc hoặc hoạt động gắng sức; không hút thuốc, uống rượu, bia; không ăn mặn (chỉ nên ăn 2 g muối/ ngày), hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo; khám bệnh định kỳ, sử dụng thuốc theo phác đồ của bác sĩ...

Một phần do thói quen của bác sĩ

Nhấn mạnh người bị suy tim nếu được uống cả 4 loại thuốc điều trị bệnh này thì rất có lợi, tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui cho biết có đến 25% bệnh nhân suy tim không được điều trị, 50% chỉ được dùng 1 loại thuốc.

Lý giải điều này, bác sĩ Vui cho rằng có thể do thói quen của bác sĩ. "Ví dụ bệnh nhân tăng huyết áp vào viện không than thở về các triệu chứng có liên quan đến chứng suy tim thì bác sĩ sẽ không thay đổi cách thức điều trị. Điều này khiến suy tim khởi phát. Do đó, tỉ lệ nhập viện và tử vong của bệnh nhân suy tim cao" - bác sĩ Vui chỉ rõ.

Bài và ảnh: HẢI YẾN